Tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi
Theo lộ trình của EVN, đến năm 2025, điện lực các địa phương sẽ hoàn thành việc đổi ngày ghi chỉ số điện vào cuối tháng, khi quá trình “phủ” công tơ điện tử, đo đếm từ xa hoàn tất.
Tiền điện tháng 2 tăng gấp đôi
Nhiều hộ gia đình bất ngờ khi nhận thông báo tiền điện tháng 2 tăng vọt, gấp 2-3 lần, khi ngành điện đổi ngày ghi chỉ số công tơ về cuối tháng
Anh Minh (Hà Đông) cho biết lượng điện tiêu thụ tháng 2 vọt lên 2.127 kWh, gấp hơn hai lần tháng trước đó. Tiền điện vì thế cũng tăng tương ứng, lên tới 6,7 triệu đồng.
Thông thường, gia đình anh trả khoảng 2,3-2,8 triệu đồng tiền điện, vào dịp hè, tháng cao điểm nhất trên 3 triệu đồng. Các thiết bị điện trong nhà không thay đổi (4 điều hòa, 2 bình nóng lạnh và một số thiết bị khác) nhưng lượng tiêu thụ tăng vọt.
“Tiền điện tháng này hơn cả cao điểm hè dùng điều hòa liên tục hay đợt Covid-19, khi mọi người phải làm việc tại nhà”, anh nói.
Tương tự, nhiều hộ gia đình tại Hà Nội cũng bất ngờ khi nhận thông báo hóa đơn điện tháng 2. Chị Mai Hương (Đống Đa) phản ánh mọi người trong nhà đều đi làm, đi học ban ngày, chỉ ở nhà vào buổi tối và cuối tuần. Gia đình chị sử dụng trung bình 300-350 kWh mỗi tháng, riêng tháng 2 số này “nhảy” lên 750 kWh, gấp 2,5 lần.
Không riêng anh Minh, chị Hương chịu tiền điện tăng cao trong tháng này, hơn 2,8 triệu khách hàng sử dụng điện tại Hà Nội cùng chung tình cảnh. Nguyên nhân do Điện lực Hà Nội thay đổi ngày chốt chỉ số công tơ, từ rải rác các ngày đầu sang cuối tháng.
Chẳng hạn, theo quy định trước đây kỳ ghi điện tháng 2 từ 8/1 đến 7/2, thì lần này điện lực chưa tính và thu tiền của khách hàng. Thay vào đó, khi đổi ghi vào cuối tháng (29/2), họ tính tiền điện theo số ngày dùng thực tế, tổng cộng là 53-57 ngày. Tức, tiền điện tháng 2 là trả cho gần hai tháng dùng điện, thay vì một tháng như trước.
Do số ngày thực tế dùng điện thêm 22-26 ngày so với tháng 1, nên tiền phải trả tăng tương ứng. Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), việc này chỉ phát sinh trong tháng đầu khi họ đổi thời gian chốt chỉ số công tơ về cuối tháng. Các tháng sau đó, tiền điện sẽ trở về bình thường, vì thời gian tính hóa đơn vẫn là 30 hoặc 31 ngày dùng điện (khi công tơ ghi từ ngày đầu tới cuối tháng).
Tiền điện tháng 2 của một hộ gia đình ở Hà Nội tăng 2-3 lần so với các tháng 1, khi điện lực đổi ngày chốt chỉ số công tơ về cuối tháng. Ảnh: Phương Dung
Đại diện EVN Hà Nội giải thích thêm, trước đây việc ghi chỉ số công tơ được thực hiện rải rác các ngày đầu đến khoảng mùng 10 hàng tháng, do thành phố chưa “phủ” được công tơ điện tử, nhân viên điện lực phải tới tận nơi ghi chép thủ công. Nhưng hiện 2,8 triệu hộ dùng điện ở Thủ đô đã được lắp công tơ điện tử, đo đếm dữ liệu từ xa, nên EVN Hà Nội áp dụng công nghệ, chuyển đổi sang ghi đồng loạt vào cố định một ngày. Việc này sẽ tránh sai sót trong ghi chỉ số thủ công như trước.
Cũng theo Điện lực Hà Nội, đổi ngày chốt công tơ sẽ giúp người dân dễ nhớ, giám sát và biết lượng điện dùng trọn vẹn trong tháng, thay vì tính vắt qua ngày của tháng trước và sau như trước đây. Cách tính này cũng tương tự hóa đơn Internet hay điện thoại.
“Quyền lợi của khách hàng được đảm bảo do mức dùng điện của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ trong tháng thay đổi”, EVN Hà Nội cam kết.
Trước đó, Điện lực Hà Nội từng tính thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ từ tháng 11/2023, nhưng kế hoạch này được lùi lại và áp dụng từ kỳ tính tiền điện tháng 2 năm nay. Họ gửi thông báo tới khách hàng qua các kênh (zalo, website…) vào cuối tháng 1 và nhắc lại giữa tháng 2.
Thực tế, người tiêu dùng cho rằng việc ngành điện cộng dồn ngày vào một kỳ tính hóa đơn khiến họ bị thiệt khi phải trả nhiều hơn cho số kWh dùng ở bậc thang giá cao (bậc 5-6). Anh Minh sốt ruột khi số điện bậc 6 vọt lên hơn 1.440 kWh tại kỳ hóa đơn tháng 2, với số tiền trên 4,5 triệu đồng. Mức này gấp hơn 1,5 lần so với tháng 1.
Còn chị Hương lo ngại gần 400 kWh tăng thêm sẽ phải chịu giá điện ở bậc 4 và 5, giá 2.800-3.100 đồng một kWh, thay vì bậc 3 như mọi lần.
Về điểm này, phía EVN Hà Nội nói không có việc người dân phải trả tiền theo bậc cao nhất do thay đổi ngày ghi chỉ số. Bởi, cách tính tiền vẫn theo nguyên tắc bậc thang, nhưng sẽ có thay đổi về số kWh tiêu thụ trong từng bậc.
Minh họa cách tính tiền điện gia đình anh Minh tháng 2 khi đổi ngày ghi chỉ số công tơ về 29/2:
Bậc/Đơn giá (đồng/kWh) | Giai đoạn 8/1-7/2
(31 ngày) |
Giai đoạn 8/2-29/2
(22 ngày) |
Gộp 8/1-29/2
(53 ngày) |
||||
Định mức kWh/tháng | Tiền (VNĐ) | Định mức kWh/tháng | Tiền (VNĐ) | Định mức kWh/tháng | Tiền (VNĐ) | ||
1 (0-50 kWh) | 1.806 | 50 | 90.300 | 35 | 63.210 | 85 | 153.510 |
2 (51-100 kWh) | 1.866 | 50 | 93.300 | 35 | 65.310 | 85 | 158.610 |
3 (101-200 kWh) | 2.167 | 100 | 216.700 | 71 | 153.857 | 171 | 370.557 |
4 (201-300 kWh) | 2.729 | 100 | 272.900 | 71 | 193.759 | 171 | 466.659 |
5 (301-400 kWh) | 3.050 | 100 | 305.000 | 71 | 216.550 | 171 | 521.550 |
6 (400 kWh trở lên) | 3.151 | 540 | 1.701.540 | 904 | 2.848.504 | 1.444 | 4.550.044 |
Tổng: | 940 | 2.679.740 | 1.187 | 3.541.190 | 2.127 | 6.220.930 | |
Thuế VAT 8% | 214.379 | 283.295 | 497.674 | ||||
Tổng tiền: | 2.894.119 | 3.824.485 | 6.718.604 |
Chẳng hạn, hóa đơn gia đình anh Minh, có ngày ghi chỉ số công tơ trước đây 8/1-7/2, tức 31 ngày sử dụng. Trong đó, số điện định mức bậc 1 là 50 kWh.
Khi đổi ngày chốt công tơ vào 29/2, số ngày dùng thực tế tăng lên 53 ngày (8/1-29/2), gấp 1,7 lần tháng 1. Vì thế, số kWh định mức dùng từng bậc cũng tăng tương ứng.
Chẳng hạn, bậc 1 từ 50 kWh lên 85 kWh. Trong đó, khoảng thời gian 8/1-7/2, định mức bậc 1 là 50 kWh một tháng, tức mỗi ngày dùng bình quân 1,6 kWh ở bậc này. 22 ngày tiếp theo (8/2-29/2), số định mức bậc 1 là 35 kWh. Các bậc tiếp theo cũng được tính tương tự.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng ở góc độ người tiêu dùng, việc chốt chỉ số ghi công tơ vào cuối tháng sẽ mang lại lợi ích nhất định khi được “tính đúng, đủ tròn tháng, không phát sinh bất tiện”.
Với doanh nghiệp, khi cố định ngày ghi công tơ, họ sẽ thực hiện đúng quy định kế toán, quyết toán hóa đơn trong năm (12 kỳ) và cân đối dòng tiền trả đối tác bán điện.
Song ông lưu ý tiền điện đang tính theo biểu lũy kế, tức dùng nhiều sẽ phải trả ở bậc thang giá cao hơn. Do đó, ngày chốt chỉ số công tơ cần được cơ quan quản lý giám sát để tránh phát sinh chi phí, khiến người tiêu dùng chịu thiệt không đáng có.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định việc thống nhất thay đổi ghi chỉ số công tơ trên địa bàn nhằm đảm bảo nhất quán trong quản lý, giảm sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hóa đơn.
Từ năm ngoái, điện lực nhiều địa phương, như TP HCM, Quảng Bình, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hưng Yên… đã đổi lịch ghi chỉ số công tơ về cuối tháng. Do cộng dồn ngày nên tình trạng hóa đơn tiền điện tăng vọt tại tháng đầu thay đổi lịch này cũng xảy ra tại nhiều nơi.
Tại TP HCM, việc đổi lịch ghi chỉ số được Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCM) thực hiện vào tháng 8/2023. Thời điểm đó, EVNHCM cũng lý giải về cách tính, khẳng định đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Tuy vậy, đại diện đơn vị này thừa nhận việc thay đổi gây ra nhiều bất tiện và gửi lời xin lỗi đến khách hàng.
Theo lộ trình của EVN, đến năm 2025, điện lực các địa phương sẽ hoàn thành việc đổi ngày ghi chỉ số điện vào cuối tháng, khi quá trình “phủ” công tơ điện tử, đo đếm từ xa hoàn tất.
Nguồn: VnExpress
98 Specials
Địa chỉ: 05 ngõ 650 Xương Giang, Phường Xương Giang, TP.Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Viết bài PR/Quảng cáo
Tìm hiểu về dịch vụ Thiết kế Website tại Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Review sản phẩm tại Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Chạy quảng cáo Facebook
There are no reviews yet. Be the first one to write one.
You must be logged in to submit a review.