Thủ tướng Anh đối mặt nguy cơ bị phế truất
Tuy nhiên, một quan chức chỉ ra quyết định lật đổ bà Truss lúc này sẽ là “canh bạc tồi tệ”
Thủ tướng Anh đối mặt nguy cơ bị phế truất
Không chỉ bị Công đảng đối lập chỉ trích, Thủ tướng Anh Liz Truss còn bị nhiều đảng viên Bảo thủ kêu gọi từ chức sau hàng loạt chính sách không được lòng dân trong thời gian qua.
Bà Truss phát biểu trong một hội nghị của đảng Bảo thủ tại Birmingham, Anh hôm 5/10
Chỉ sau hơn một tháng nhậm chức, Thủ tướng Anh Liz Truss đã phải vật lộn để giữ lấy chiếc ghế của mình khi tâm lý muốn lật đổ bà đang ngày càng lên cao trong đội ngũ nghị sĩ đảng Bảo thủ. Ngay cả những đồng minh thân thiết nhất cũng cảnh báo bà chỉ còn vài ngày để đảo ngược tình hình.
Trước áp lực ngày càng gia tăng, bà Truss và tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt sẽ phải tổ chức hàng loạt cuộc gặp với các nghị sĩ đảng Bảo thủ trong những ngày tới để thuyết phục họ ủng hộ chính phủ, cũng như giải thích cho họ về kế hoạch tài chính mới.
“Nhiều đồng sự của tôi có nguy cơ thất cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Họ có thể kết luận rằng việc lật đổ bà ấy (Thủ tướng Truss – PV) ngay bây giờ và xây dựng lại trong 18 tháng tới là điều tốt hơn”, một nghị sĩ ủng hộ bà Truss nói với Guardian.
Áp lực từ trong đảng
Diễn biến của thị trường Anh trong ngày đầu tuần 17/10 được cho là phép thử đầu tiên đối với bà Truss sau khi quyết định sa thải cựu Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và đảo ngược một phần kế hoạch giảm thuế trị giá hơn 48 tỷ USD mà bộ đôi này đã đề xuất trước đó.
Dù vậy, áp lực với bà vẫn không ngớt. “Thủ tướng nói rằng bà ấy đang chịu trách nhiệm, nhưng bằng chứng từ dịp cuối tuần qua cho thấy bà ấy đang giữ chức nhưng không thực sự nắm quyền”, ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh, tuyên bố.
Một khảo sát mới đây của hãng thăm dò Opium cho thấy nếu một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngay lúc này, Công đảng sẽ giành thắng lợi áp đảo với 411/650 ghế trong Quốc hội. Trong khi đó, đảng Bảo thủ sẽ mất 219 ghế và chỉ còn 137 ghế, trong khi đảng Dân chủ Tự do có 39 ghế và đảng Dân tộc Scotland (SNP) có 37 ghế.
Đặc biệt, 10 thành viên Nội các Anh – bao gồm tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, Quốc vụ khanh về chiến lược thương mại, năng lượng và công nghiệp Jacob Rees-Mogg hay Phó thủ tướng Thérèse Coffey – có thể mất ghế.
Thủ tướng Truss đã phải sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng nhằm cứu vãn tình hình.
Guardian cho biết có tới 100 bức thư bày tỏ sự bất tín nhiệm đã được gửi tới ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 – nhóm bao gồm các nghị sĩ đảng Bảo thủ không nắm giữ chức vụ trong chính phủ.
Ông Crispin Blunt, nghị sĩ kỳ cựu của đảng Bảo thủ, là người đầu tiên công khai kêu gọi bà Truss từ chức. Ông cho biết bản thân không tin rằng vị thủ tướng có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
“Tôi nghĩ trò chơi đã khép lại. Giờ đây, câu hỏi được đặt ra là việc chuyển giao quyền lực sẽ được tổ chức thế nào”, ông Blunt nói. “Nếu những ý kiến yêu cầu thay đổi trong nhóm nghị sĩ quốc hội là đủ mạnh, điều này sẽ xảy đến”.
Ông Jamie Wallis, một nghị sĩ tại xứ Wales, cũng đã theo bước ông Blunt và lên tiếng đề nghị Thủ tướng Truss ra đi. Ông xác nhận với Guardian rằng bản thân đã gửi một bức thư bày tỏ sự không tin tưởng với bà Truss tới ông Brady.
“Trong những tuần gần đây, tôi đã theo dõi khi chính phủ làm tổn hại đến uy tín kinh tế của nước Anh và gây chia rẽ cho đảng (Bảo thủ – PV) đến mức không thể phục hồi”, ông Wallis nói. “Đã là quá đủ. Tôi đã viết thư cho thủ tướng để đề nghị bà từ chức, vì bà không còn được đất nước tín nhiệm nữa”.
Vị thế lung lay
Với hy vọng có thể tiếp tục tại vị, bà Truss sẽ gặp mặt nhiều nhóm nhỏ nghị sĩ đảng Bảo thủ để thuyết phục họ ủng hộ mình. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hunt sẽ tổ chức một loạt hội nghị bàn tròn với giới nghị sĩ về tình hình kinh tế.
Dù vậy, kể cả những quan chức chính phủ Anh cũng thừa nhận vị thế của bà Truss đang rất mong manh. “Quyết định trao quyền cho Jeremy (Hunt) giúp chúng ta có thêm thời gian. Kế hoạch ngân sách sẽ rất khác biệt so với trước. Dù vậy, chúng ta đang phải giải quyết các vấn đề theo từng ngày”, một nguồn tin nói với Guardian.
Một lãnh đạo phe chống đối cho rằng bà Truss không còn tương lai. “Tôi không thấy bà Liz có cách nào để tồn tại. Jeremy là người tốt, nhưng tín nhiệm của bà (Truss) đã xuống dưới con số không”, người này nói.
Đảng Bảo thủ Anh có quy định không bỏ phiếu bất tín nhiệm với tân thủ tướng trong một năm đầu nhiệm kỳ. Dù vậy, nghị sĩ Geoffrey Clifton-Brown cho biết quy tắc này có thể bị bãi bỏ nếu có đủ nghị sĩ trong đảng mong muốn.
“Đương nhiên chúng tôi có quyền thay đổi luật”, ông nói với BBC. “Chúng tôi sẽ chỉ thay đổi nếu có dấu hiệu rõ ràng cho thấy đa số nghị sĩ – có thể khoảng 60-70% – trong đảng muốn sửa luật”.
Tuy nhiên, một quan chức chỉ ra quyết định lật đổ bà Truss lúc này sẽ là “canh bạc tồi tệ” vì không chính trị gia nào nổi lên như người kế nhiệm rõ ràng.
Một số cái tên nổi bật có thể kể đến hiện nay là ông Rishi Sunak và bà Penny Mordaunt – những người từng thua bà Truss trong cuộc đua vào ghế thủ tướng trong những tháng qua. Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, người được các đảng viên ủng hộ nhưng không ra tranh cử, cũng được coi là ứng viên tiềm năng.
Tuy vậy, việc các ứng cử viên trên có chấp nhận lời đề cử hay không lại là câu chuyện khác. Hôm 16/10, trên Telegraph, bà Mordaunt lên tiếng kêu gọi các đảng viên Bảo thủ ủng hộ Thủ tướng Truss.
“Đất nước của chúng ta cần ổn định”, bà viết. “Chúng ta cần làm việc với thủ tướng và bộ trưởng Tài chính mới. Tất cả cần làm vậy”.
Nguồn: Zing
98 Specials
Địa chỉ: 132 Trần Đăng Tuyển (Lô 03 A15.1), Phường Trần Nguyên Hãn, TP.Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Viết bài PR/Quảng cáo
Tìm hiểu về dịch vụ Thiết kế Website tại Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Review sản phẩm tại Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Chạy quảng cáo Facebook
There are no reviews yet. Be the first one to write one.
You must be logged in to submit a review.