Thế giới đang chứng kiến làn sóng sa thải mạnh mẽ chưa từng có
Nhiều người thấy nhẹ nhõm khi được theo đuổi công việc mình thích, có ý nghĩa sau khi bị sa thải
Thế giới đang chứng kiến làn sóng sa thải mạnh mẽ chưa từng có
Ngày 20/3, Giám đốc điều hành (CEO) Amazon, ông Andy Jassy cho biết công ty đã lên kế hoạch cắt giảm thêm 9.000 việc làm trong những tuần tới. Đây sẽ là đợt cắt giảm lớn thứ hai trong lịch sử Amazon.
Trước đó, vào tháng 1, công ty này đã cắt giảm 18.000 nhân viên với lý do nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hãng này đã tuyển dụng quá nhanh trong những năm gần đây. Con số này tương đương với 6% trong tổng số 300.000 nhân viên văn phòng của Amazon.
“Đây là một quyết định khó khăn, nhưng là một quyết định mà chúng tôi nghĩ là tốt nhất cho công ty trong dài hạn”, ông Andy Jassy cho biết.
Động thái này làm dấy lên lo ngại về làn sóng cắt giảm việc làm thứ hai đang gia tăng trong lĩnh vực công nghệ sau khi Meta thông báo sa thải 10.000 nhân viên vào tuần trước, sau đợt cắt giảm 11.000 người vào cuối năm ngoái.
Bắt đầu từ năm 2022 trong ngành công nghệ…
Lĩnh vực công nghệ bắt đầu chứng kiến làn sóng sa thải vào năm 2022 với 150.000 nhân viên mất việc làm, hơn một nửa trong số đó xảy ra chỉ riêng trong tháng 11 và tháng 12/2022, theo Layoffs.fyi, một trang web chuyên theo dõi các quá trình sa thải trong ngành công nghệ.
Riêng trong nửa đầu tháng 1/2023, hơn 18.000 nhân viên công nghệ thuộc các công ty lớn như Amazon và Salesforce đã bị mất việc.
Làn sóng sa thải bắt đầu từ lĩnh vực công nghệ (Ảnh: ET).
Roger Lee, người sáng lập Layoffs.fyi, cho biết nhiều đợt sa thải lớn hơn có thể sẽ diễn ra. Ông bắt đầu theo dõi các đợt sa thải trong lĩnh vực công nghệ vào tháng 3/2020, một phần để kết nối những người lao động thất nghiệp với các nhà quản lý tuyển dụng tại các công ty đang phát triển bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.
Lee cho biết làn sóng sa thải công nghệ mới nhất bắt đầu vào mùa xuân năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ.
“Có mối tương quan rõ ràng giữa việc Fed tăng lãi suất và việc các công ty công nghệ sa thải nhân viên”, Lee nói. Đó là bởi vì khi lãi suất tăng, việc vay tiền và phát triển kinh doanh của các công ty sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Nhiều nhà lãnh đạo công nghệ, bao gồm Mark Zuckerberg của Meta và Andy Jassy của Amazon, cho biết những đợt sa thải mới là kết quả của việc tuyển dụng quá nhiều trong 2 năm đại dịch.
… Tiếp tục trong năm 2023 và lan sang nhiều lĩnh vực
Sau cuộc Đại từ chức năm 2021 và xu hướng “nghỉ việc trong yên lặng”, thị trường lao động toàn cầu đã trải qua một vài năm đầy biến động. Nhưng vào năm 2023, trước nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế có thể tác động sâu sắc đến nền kinh tế của nhiều quốc gia, người lao động Mỹ muốn ở lại và giữ chặt công việc của họ.
Việc cắt giảm việc làm bắt đầu vào năm 2022 và tăng tốc trên hầu hết trong lĩnh vực công nghệ. Theo đó, ngành công nghệ đang cắt giảm việc làm với tốc độ gần bằng những ngày đầu của đại dịch Covid-19.
Theo công ty Challenger, Grey & Christmas, các nhà tuyển dụng Mỹ đang cắt giảm việc làm trong năm nay với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều công ty đã công bố kế hoạch cắt giảm gần 200.000 nhân viên trong năm 2023, tăng 427% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sa thải thường là lựa chọn cuối cùng trong chiến lược cắt giảm chi phí của công ty”, Andrew Challenger, Phó Chủ tịch của Challenger, Grey & Christmas cho biết trong một tuyên bố, nhấn mạnh rằng các nhà tuyển dụng “chắc chắn” chú ý đến những nỗ lực của Fed nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách hạ nhiệt nền kinh tế với lãi suất cao hơn.
Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng làn sóng cắt giảm việc làm có thể mạnh mẽ hơn nếu nền kinh tế tiếp tục hạ nhiệt.
Năm 2023 tiếp tục chứng kiến nhiều đợt cắt giảm việc làm trong hầu hết các lĩnh vực (Ảnh: Mera FM).
Khác với năm ngoái khi làn sóng cắt giảm chỉ diễn ra trong lĩnh vực công nghệ, năm 2023, tình trạng sa thải diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực như tài chính, bán lẻ, năng lượng và y tế.
Ngày 11/1, Goldman Sachs sa thải tới 3.200 nhân viên, một nỗ lực cắt giảm chi phí diễn ra sau sự sụt giảm trong giao dịch và môi trường kinh doanh yếu đi, nguồn tin của Reuters cho hay. Mức cắt giảm này được cho là lớn nhất của Goldman Sachs kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo Bloomberg, Citigroup đã cho thôi việc một số nhân viên trong bộ phận ngân hàng đầu tư tập đoàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm gây sức ép lớn cho các ngân hàng của Phố Wall.
Nhà sản xuất thịt thuần chay Beyond Meat cũng cho biết công ty dự định cắt giảm 200 việc làm trong năm nay nhằm tiết kiệm 39 triệu USD chi phí.
Trong lĩnh vực y tế, tập đoàn Johnson & Johnson có thể sẽ cắt giảm nhân viên do áp lực từ lạm phát và đồng USD tăng mạnh. Giám đốc tài chính Joseph Wolk cho biết tập đoàn đang cân nhắc số lượng cắt giảm cho phù hợp.
Ngành năng lượng mang lại doanh thu khổng lồ nhưng vẫn có nhiều công ty buộc phải tinh giảm bộ máy để tiết kiệm chi phí. Điển hình là tập đoàn năng lượng Phillips 66 đang bắt đầu cắt giảm nhân sự tại các nhà máy lọc dầu, các trạm xăng và văn phòng trên khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, Layoffs.fyi dự đoán làn sóng sa thải sẽ chậm hơn vào nửa cuối năm. “Hiện tại, Fed dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất và nhiều người tin rằng vào cuối năm nay, họ sẽ tạm dừng tăng lãi suất và thậm chí có thể bắt đầu hạ lãi suất xuống. Khi đó, tôi thực sự hy vọng rằng tình trạng sa thải cuối cùng cũng sẽ giảm bớt”, Lee nói.
Điều gì dẫn đến làn sóng sa thải?
Một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới sa thải tổng cộng gần 200.000 nhân viên trong những tháng gần đây. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều lý do giải thích tại sao điều này là cần thiết, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu giảm, chi phí tăng trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh cảnh báo lan rộng về suy thoái kinh tế toàn cầu, các công ty công nghệ buộc phải đánh giá lại chi tiêu và chuẩn bị cho một cuộc suy thoái tiềm ẩn.
Nhiều nhà kinh tế dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng các nền kinh tế cần chuẩn bị cho sự suy giảm kinh tế.
Ngày 18/1, Microsoft cho biết họ sẽ sa thải 10.000 nhân viên trong năm nay, ảnh hưởng đến gần 5% lực lượng lao động toàn cầu của Microsoft. Công ty cho biết việc sa thải nhân viên là do “các điều kiện kinh tế vĩ mô và các ưu tiên của khách hàng đang thay đổi”.
“Chúng tôi cũng thấy các công ty hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đang thận trọng vì một số nơi trên thế giới đang trong thời kỳ suy thoái và những nơi khác đang được dự đoán có thể đối mặt với điều đó”, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho biết.
Để giảm chi phí khi tăng trưởng kinh tế chậm lại trên toàn thế giới, các công ty buộc tinh gọn bộ máy (Ảnh: ET).
Tính trung bình, hơn 1.600 nhân viên công nghệ bị sa thải mỗi ngày trên toàn cầu vào năm 2023 và các đợt sa thải đã tăng tốc trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế, theo chuyên gia, tiết kiệm chi phí không phải là nguyên nhân lớn nhất cho việc các công ty sa thải nhân viên. Microsoft, được cho là đã sa thải khoảng 10.000 nhân viên, gần như đồng thời thông báo rằng họ có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI, công ty tạo ra ứng dụng chatbot gây sốt trong thời gian gần đây – ChatGPT.
Nhu cầu tiêu dùng yếu đi là một nguyên nhân khác. Trước khủng hoảng địa chính trị, lạm phát giá tiêu dùng đã tăng vọt ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, có thể là Mỹ, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và các nước khác.
Tác động thậm chí còn được cảm nhận rõ nét hơn khi nền kinh tế toàn cầu đang quay cuồng dưới áp lực của các đợt phong tỏa liên quan đến Covid-19 kể từ năm 2020. Ngay khi tình hình dường như đang dần được cải thiện, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine lại khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi làm gián đoạn một tuyến đường thương mại lớn.
Giá tiêu dùng tăng liên tục buộc các ngân hàng trung ương phải lựa chọn thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ đầu năm 2022. Sau một thời gian dài, hầu hết các ngân hàng trung ương đều bắt đầu tăng lãi suất cơ bản và lãi suất cao hơn là một trong những nguyên nhân thúc đẩy làn sóng sa thải gia tăng.
John Blevins, Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh SC Johnson thuộc Đại học Cornell, nói rằng những đợt sa thải này là hệ quả của việc các công ty công nghệ tăng cường tuyển dụng trong thời kỳ đại dịch.
“Khi các doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng hoạt động để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh bất ngờ, việc tuyển dụng được thực hiện một cách vội vã. Giờ đây với nền kinh tế đang chậm lại do ảnh hưởng của lãi suất, các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh để hoạt động chậm lại”, ông nói:
Theo một báo cáo trên Reuters, việc Google giảm số lượng nhân viên do áp lực của các nhà đầu tư về việc áp dụng một chiến lược tích cực hơn để hạn chế chi tiêu. Công ty mẹ Alphabet của Google đã công bố kế hoạch giảm 12.000 nhân viên toàn cầu, tương đương khoảng 6% tổng lực lượng nhân sự của doanh nghiệp.
“Công ty có quá nhiều nhân viên và chi phí cho mỗi nhân viên quá cao”, tỷ phú Chris Hohn – Giám đốc điều hành TCI nói và cho biết thêm số lượng nhân viên của Alphabet đã tăng 20% mỗi năm kể từ năm 2017.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành của Alphabet, ông Sundar Pichai, cho biết rằng việc sa thải nhằm “tập trung nguồn lực, nhân sự và tiền bạc của công ty cho những ưu tiên cao nhất”.
Người lao động phản ứng khác nhau khi mất việc
Sau khi Alphabet gửi email thông báo về kế hoạch cắt giảm khoảng 12.000 việc làm, nhân viên Google đã gửi một bức thư tới CEO Sundar Pichai nhằm mục đích yêu cầu công ty hợp lý hóa kế hoạch sa thải hàng loạt.
Bức thư có chữ ký của hơn 1.400 nhân viên, nhấn mạnh tình trạng sa thải trên toàn cầu: “Không có nơi nào tiếng nói của nhân viên được xem xét thỏa đáng. Chúng tôi biết, với tư cách là những nhân viên, chúng tôi cùng nhau sẽ trở nên mạnh mẽ”.
Nhiều nhân viên Google đã chia sẻ câu chuyện của mình sau khi bị sa thải. Người mất việc khi đang trong thời gian nghỉ phép chăm sóc mẹ ốm. Người bàng hoàng không dám tin vì cả hai vợ chồng đều bị sa thải.
Tháng 12/2022, Stellantis, công ty sản xuất xe SUV Jeep Cherokee, thông báo sẽ đóng cửa một nhà máy ở Illinois, dẫn đến hơn 1.200 công nhân bị sa thải vào cuối tháng 2/2023. Lý do công ty đưa ra là do chi phí sản xuất xe điện ngày càng tăng.
“Không có bất kỳ cảnh báo nào về việc sa thải”, Deanna Viel, một công nhân tại nhà máy ở Belvidere, Illinois, cho biết. Do vậy, khi nhận được quyết định, cô thực sự bị “sốc”.
“Chúng tôi biết tương lai của mình có vẻ ảm đạm và đó vẫn là một cú sốc. Nó đã phá hỏng kỳ nghỉ của chúng tôi. Không ai có tâm trạng để ăn mừng ngày lễ”, cô nói.
Sa thải gây nên nỗi sợ hãi của nhiều lao động (Ảnh: Istock).
Sa thải là một sự kiện làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Người lao động mất thu nhập và khoản phí đóng bảo hiểm y tế, không có việc làm ổn định ảnh hưởng đến các mục đích đặt ra và làm thay đổi một vài thói quen. Mất việc kéo dài thậm chí có thể khiến nhiều người gặp các vấn đề về sức khỏe.
Tuy vậy, bên cạnh lo lắng và những phản ứng tiêu cực, nhiều người lao động bị sa thải lại hoàn toàn bình tĩnh và họ cũng không vội vã tìm một công việc mới. Thay vào đó, một số người, đặc biệt là các chuyên gia trẻ tuổi trải qua lần mất việc làm đầu tiên, coi thời điểm này là cơ hội để “chia tay” với công việc văn phòng theo giờ hành chính và thiết lập lại cuộc sống cũng như sự nghiệp của họ.
Cinneah El-Amin, 28 tuổi, đang đi nghỉ ở quần đảo Turks và Caicos vào đầu tháng này thì nhận được tin nhắn của quản lý yêu cầu cô tham gia một cuộc họp. Cô biết ngay rằng mình sắp bị sa thải khỏi công việc quản lý sản phẩm tại PayPal ở New York.
“Điều này nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm”, El-Amin nói với CNBC.
Cô cảm thấy kiệt sức sau hơn một năm làm việc chăm chỉ. Cô làm việc cả đêm lẫn cuối tuần để xây dựng công việc kinh doanh của riêng mình, một nền tảng nghề nghiệp và phong cách sống trực tuyến có tên Flynanced.
“Tôi coi đây là cơ hội để thử một hướng đi mới trong sự nghiệp của mình và xem điều gì sẽ xảy ra. Tôi coi đó là cú hích cần thiết cho mình”, El-Amin nói.
Calista Tee, 28 tuổi, vừa bị sa thải khỏi công việc truyền thông xã hội tại Attentive, một công ty khởi nghiệp về thương mại điện tử. Tuy nhiên, cô lại thấy ổn một cách kinh ngạc khi nhận thông tin đó. Cô cho biết, ít nhất thì đó cũng là “thời điểm tốt” vì cô vừa kết hôn với một công dân Mỹ vào cuối năm ngoái, nghĩa là cô có thể ở lại California, thay vì phải trở về quê hương Malaysia. Hiện cô đang làm công việc tiếp thị trên mạng xã hội trên TikTok.
“Tôi sẽ quay trở lại công việc văn phòng tại một công ty trong 5 năm tới nếu công việc này không hiệu quả”, Tee nói và cho biết: “Theo một cách nào đó, tôi không quá thất vọng vì bị sa thải”.
Một số người lao động trẻ cho biết bị sa thải là một hồi chuông cảnh tỉnh để họ chấm dứt hoàn toàn công việc làm theo giờ hành chính. Đó cũng là cảm nhận của Genesis Gutierrez.
“Tôi rất vui vì điều đó xảy ra sớm trong sự nghiệp của mình, tốt hơn nhiều so với những người đã bị mắc kẹt 10 năm trong công việc rồi mới bị sa thải”, cô nói.
Bất chấp tình trạng sa thải quy mô lớn, theo các chuyên gia, thị trường việc làm hiện vẫn khá mạnh mẽ và những nhân viên bị sa thải đang nhanh chóng tìm được việc làm.
Theo Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 223.000 việc làm trong tháng 12/2022 trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,5% – gần mức thấp kỷ lục. Mỗi công nhân sa thải có 1,7 cơ hội việc làm mới.
“Có nhiều công ty vẫn đang tuyển dụng, và nhiều cơ hội việc làm hơn nhiều so với số lượng nhân viên bị sa thải, vì vậy những người bị mất việc trong bão sa thải gần đây hoàn toàn có thể lạc quan”, Lee của Layoffs.fyi nói.
Nguồn: Dân trí
98 Specials
Địa chỉ: 132 Trần Đăng Tuyển (Lô 03 A15.1), Phường Trần Nguyên Hãn, TP.Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Viết bài PR/Quảng cáo
Tìm hiểu về dịch vụ Thiết kế Website tại Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Review sản phẩm tại Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Chạy quảng cáo Facebook
There are no reviews yet. Be the first one to write one.
You must be logged in to submit a review.