Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt nghệ sĩ Mai Ngọc Căn
Sau lễ viếng, linh cữu ông được hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển.
Gia đình, đồng nghiệp tiễn biệt nghệ sĩ Mai Ngọc Căn
Vợ, các con và nhiều đồng nghiệp, học trò tiễn đưa nghệ sĩ Mai Ngọc Căn trong lễ tang ngày 5/11.
Bà Tống Thị Thanh Sơn – vợ nghệ sĩ – cùng các con lo hậu sự cho ông. Bà cho biết từ khi phát hiện mắc ung thư thận năm 2018, sức khỏe ông suy yếu, hầu như chỉ ở nhà, ngồi hoặc nằm một chỗ. Vài tháng trước, ông cấp cứu ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Hai tuần trước khi mất, ông vẫn minh mẫn, ăn được một chút cháo.
Chiều 2/11, ông ra đi thanh thản trong vòng tay gia đình, thọ 82 tuổi. Những ngày còn tỉnh táo, ông vẫn dặn dò bà giữ gìn sức khỏe. Ông bà ở bên nhau 57 năm, có hai con trai, một con gái. Với bà Thanh Sơn, ông là người cha, người chồng mẫu mực.
Bạn bè cùng thế hệ nghệ sĩ đều ở tuổi gần đất xa trời, nhờ cho con cháu đến tạm biệt ông. Nhà lý luận, phê bình múa Thái Phiên (81 tuổi), đại diện cho nhóm bạn cùng tu nghiệp ở Nga những năm 1970. Ông Mai Ngọc Căn học ngành điện ảnh ở Saint-Peterburg, còn Thái Phiên học về múa ở Moskva nhưng chơi chung nhóm, thường đến thăm nhau mỗi dịp hè. Sau này, khi về nước, hai người có thời cùng công tác ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Trong ký ức của Thái Phiên, bạn là người trung thực, thẳng thắn, hóm hỉnh, không bon chen và thường nhận phần thua thiệt về mình.
Vợ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn – bà Tống Thị Thanh Sơn (giữa, hàng đầu) bên hai con trai.
Nhiều thế hệ học trò từ các miền đất nước đến viếng nghệ sĩ. Nguyễn Bá Lương – học viên lớp Quản lý văn hóa K11 (Đại học Văn hóa Hà Nội) – khởi hành lúc 5h sáng từ Thanh Hóa. Anh nói: “Ngày mới vào học môn sân khấu, chúng tôi hạnh phúc khi biết thầy là người giảng dạy. Khi ấy, thầy đã 70 tuổi, vẫn khỏe mạnh, đầy nhiệt huyết. Mỗi giờ học với thầy luôn đầy ắp tiếng cười, niềm vui. Ngoài giờ lên lớp, thầy luôn chăm lo, quan tâm đời sống học viên. Lần cuối cùng tôi gặp lại thầy cách đây 5 năm, không ngờ lần tiếp theo là ở chốn này”.
Nghệ sĩ Lê Duy Trường, Đại Dương (Nhà hát Cải lương Việt Nam) thường xuyên gặp thầy giáo cũ vì công tác ở gần nhà riêng của ông. Trong ký ức của các trò, ông là nghệ sĩ lớn nhưng không giữ khoảng cách, luôn theo sát, cho họ nhiều lời khuyên quý giá trong nghề.
Di ảnh nghệ sĩ Mai Ngọc Căn.
Nhiều học trò đều xót xa vì đến cuối đời, ông không có danh hiệu nhà giáo hoặc nghệ sĩ nhân dân. “Cả đời thầy không màng công danh, chỉ chuyên chú làm nghề. Không ai có thể phủ nhận trình độ, sự đóng góp của thầy cho giáo dục, nghệ thuật”, nghệ sĩ Đại Dương nói.
Dù không trực tiếp học ông, diễn viên Bá Anh coi Mai Ngọc Căn là người thầy, người cha lớn. Cả hai cùng đóng phim Những ngọn nến trong đêm, ăn ở, sinh hoạt chung suốt một năm. Khi ấy, anh vẫn còn là diễn viên trẻ, cảm kích vì được ông truyền dạy nhiều bài học liên quan diễn xuất, làm phim. “Trong sinh hoạt hàng ngày, chú tình cảm, đôn hậu, hiền lành. Dù là bề trên, ông không bao giờ tỏ ra trịch thượng, hay mời thuốc, rót nước cho các em, các cháu. Sau này, chúng tôi đóng chung một số phim. Dù đảm nhiệm vai nhỏ, ít đất diễn, ông luôn chuyên tâm, hết mình. Đó là nhân cách của một nghệ sĩ lớn”, Bá Anh nói.
Chiều Xuân đến viếng thầy cùng các bạn học Lớp diễn viên điện ảnh khóa 3 – Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Chị học nghệ sĩ một năm, đúng thời điểm mới sinh con gái đầu lòng nên luôn biết ơn ông tạo điều kiện để chị vừa hoàn thành bài vở trên lớp, vừa chăm con.
Mai Thu Huyền là cháu họ nghệ sĩ Mai Ngọc Căn, quen biết ông từ bé. Sau này, cô có duyên đóng con gái nuôi của ông trong phim Những ngọn nến trong đêm. “Dù ngoài đời hay trên màn ảnh, chú đều toát lên vẻ giản dị, gần gũi. Chú nhiệt tình với mọi người xung quanh, từng giúp bố tôi tìm hiểu, học ngành quay phim”, diễn viên nói.
Lễ viếng ông diễn ra trang trọng, ngắn gọn. Khoảng 11h, em họ nghệ sĩ – ông Ngô Mạnh Thường – đọc điếu văn đưa tiễn anh, điểm lại sự nghiệp 60 năm cống hiến cho ngành điện ảnh nước nhà. Mai Ngọc Căn sinh năm 1940 ở Bắc Ninh, sớm mơ ước trở thành “tài tử xi-nê” từ nhỏ.
Là thợ mỏ nhưng đam mê nghệ thuật, ông thi đỗ Lớp diễn viên khóa 1, Trường Ðiện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Ra trường, ông công tác tại Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, tham gia các phim Lửa rừng, Vợ chồng A Phủ, Kim Đồng… Ông có bằng đại học và thạc sĩ ở Nga, từng giảng dạy ở nhiều trường như Đại học Sân khấu Điện ảnh, Đại học Văn hóa, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đồng thời là người đạo diễn, dựng vở cho 12 đơn vị, đạt nhiều huy chương vàng và bạc.
Nhiều người trong lễ viếng lặng người khi ông Ngô Mạnh Thường kết thúc điếu văn: “Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật cuộc sống. Cách đây bốn năm, nghệ sĩ mắc bạo bệnh, không qua khỏi. Thế là từ nay gia đình mất đi người chồng yêu thương, người cha, người ông đôn hậu. Họ hàng, thông gia, bạn bè mất đi người thân gắn bó, khối phố vắng bóng người xóm giềng gần gũi. Ông từ biệt thế giới này nhưng để lại hình ảnh một nghệ sĩ, nhà giáo chân chính, thiết tha gắn bó với nghề”. Sau lễ viếng, linh cữu ông được hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển.
Nguồn: Dân trí
98 Specials
Địa chỉ: 132 Trần Đăng Tuyển (Lô 03 A15.1), Phường Trần Nguyên Hãn, TP.Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Viết bài PR/Quảng cáo
Tìm hiểu về dịch vụ Thiết kế Website tại Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Review sản phẩm tại Bắc Giang
Tìm hiểu về dịch vụ Chạy quảng cáo Facebook
There are no reviews yet. Be the first one to write one.
You must be logged in to submit a review.